Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Bài Hát Thai Nhi


Phá Thai Là Giết Người

(Video theo You Tube)
Riêng hai nước Trung Quốc và Việt Nam được coi là có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới. Tại Trung Quốc, năm 1979, trước sự bùng nổ dân số và khó khăn về kinh tế, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã ban hành pháp lệnh ấn định mỗi gia đình chỉ có một con và thành lập Ủy Ban Kế Hoạch Hóa Gia Đình để hướng dẫn và giám sát việc thi hành biện pháp này. Vì vậy, trong suốt 25 năm qua, nạn triệt sản, phá thai, thậm chí thai ở tháng thứ 7 hay thứ 8, giết hại hài nhi, nhất là với bé gái, không ai có thể thống kê chính xác. Tại Trung Quốc cũng xảy ra lan tràn tình trạng vứt bỏ trẻ sơ sinh trong thùng rác, ngoài đường, trong bụi cây. Nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới đã lên án chính sách vô nhân đạo này của Trung Quốc.
Gần đây Bắc Kinh tuyên bố là việc “có một con” đã thuộc về quá khứ. Nhưng sự thật không đúng như vậy. Nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza ngày 14.9.2005 dưới đầu đề “Thảm kịch của phụ nữ nông thôn Trung Quốc” cho biết nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc Chen Guangchen vừa lên tiếng báo động về tình trạng ép buộc phá thai tại thành phố Linyi ở miền đông tỉnh Giang Đông. Bà Feng Zhongxia ở làng Maxigou, 36 tuổi, có thai 7 tháng. Vì muốn sinh con, bà đã phải bỏ trốn. Nhà cầm quyền địa phương đã bắt giữ, đánh đập và bỏ đói những người trong gia đình bà nhằm áp lực buộc bà phải ra trình diện. Họ tuyên bố: “Thà cho thân nhân bà ta chết chứ không để tuột tay”.
Phóng viên tạp chí Time cho biết, chỉ trong một huyện, số hài nhi bị giết gần đến 7 ngàn. Bà Gao Xiao Duan làm việc trong một cơ quan kiểm tra sinh đẻ đã trình bày trước Quốc Hội Mỹ: “Tôi nhìn thấy môi những đứa bé mấp máy, các thớ thịt của chúng căng lên khi các bác sĩ chích thuốc độc vào đầu chúng. Sau đó chúng tôi vứt chúng vào thùng rác. Để tránh thảm họa này xảy ra, nhiều phụ nữ có thai phải trốn. Những đội quân nạo thai đã mở cuộc săn đuổi họ. Có trường hợp sau khi họ sinh xong trở về, ngôi nhà của họ đã thành đống tro tàn !”
Tại Việt Nam, tình trạng phá thai cũng đã đến mức báo động. Tài liệu thống kê cho biết tỉ lệ phá thai của Việt Nam đã lên tới hàng cao nhất thế giới. Có tới 82% số phụ nữ có chồng, thuộc hạng tuổi sinh nở, đã từng phá thai ít nhất một lần. Theo báo Tiền Phong, 20% phụ nữ nạo phá thai tại Việt Nam là thành phần ở tuổi vị thành niên. Con số này được thông báo tại hội thảo “Sức khỏe sinh sản và vị thành niên ở Việt Nam” do Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Bộ Y Tế và Tổ Chức Y Tế Thế Giới ( WHO ) tổ chức ngày 30.6 vừa qua. Tuy nhiên, con số nạo phá thai lén lút còn cao hơn, không kiểm tra được.
Riêng tại thành phố Sài-gòn, tài liệu của Trung Tâm Bảo Vệ Sức Khỏe Các Bà Mẹ, Trẻ Em và Kế Hoạch Hóa Gia Đình cho biết toàn thành phố Sài-gòn mỗi năm có hơn 100.000 vụ nạo phá thai; trong số đó khoảng 1.000 người nạo phá thai là thiếu nữ dưới 18 tuổi, khoảng 20% người dưới 24 tuổi, 30% là những người chưa lập gia đình. Những năm gần đây, số lượng nạo phá thai lúc nào cũng lớn hơn số sinh sản. Năm 2003 toàn thành phố có 114.002 vụ nạo phá thai trong khi số sinh sản chỉ có 112.426. Năm 2004 đã xảy ra 108.193 vụ phá thai trong khi chỉ có 107.314 trẻ chào đời.
Bác sĩ sản khoa Nguyễn Hữu Hiện cho biết, nạo phá thai ngoài việc tốn kém tiền bạc, mất thời gian, gây tác hại về sức khỏe, còn để lại những giao động về tâm lý, đặc biệt đối với phụ nữ trẻ. Nhiều cuộc nghiên cứu khoa học trong nước cũng như trên thế giới đã chứng minh việc quan hệ tình dục trước hôn nhân để rồi dẫn đến việc nạo phá thai, nếu sau này kết hôn, tỉ lệ ly hôn trong những trường hợp này tương đối cao.
Tình trạng phá thai lậu do các lang băm vô trách nhiệm thực hiện còn gây hậu quả nghiêm trọng hơn. Một thí dụ điển hình: Chị Vân, 19 tuổi ở thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Ninh, có thai khoảng 4 tháng, nhưng con đầu lòng mới 15 tháng, vì thế chị quyết định đến nhờ bà lang vườn tên Hiên ở xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, để phá thai. Bà lang đặt que cây rừng vào dạ con của chị để gây “sẩy thai tự nhiên”. Sau một ngày thai lọt ra, nhưng chị Vân bị sốt cao, đến ngày 28.5.2005, chị được gia đình đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ buộc phải cắt bỏ một quả thận và tử cung của chị vì bị nhiễm trùng nặng, không thể cứu vãn.
Nguyên do của tệ nạn phá thai phát xuất từ sự sa sút về lòng đạo đức của con người. Trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, Giáo Hội Công Giáo đã xác định: “Thiên Chúa, Đấng làm chủ sự sống đã giao cho loài người nhiệm vụ cao quí bảo vệ sự sống, và con người phải đảm trách nhiệm vụ này một cách xứng đáng. Phải hết sức ân cần bảo vệ sự sống ngay từ lúc thụ thai. Phá thai và giết trẻ thơ là những tội ác đáng ghê tởm.” ( Vui mừng và hy vọng số 51 ).
Ngày 28.12, hằng năm sau Lễ Chúa Giáng Sinh, Giáo Hội Công Giáo tưởng nhớ đến các bé trai từ hai tuổi trở xuống tại Bê-lem nước Do Thái, đã bị tàn sát do lệnh của Vua Hê-rô-đê chỉ vì nghe tin bé Giê-su vừa mới sinh ra và qua lời của các Ngôn Sứ, bé Giê-su sau này sẽ là Vua của dân Do Thái cho nên Hê-rô-đê lo sợ mất ngôi vua của mình. Nhà cầm quyền nhiều nước trên thế giới vốn lâu nay bắt chước thủ đoạn độc ác của Vua Hê-rô-đê cách nay hơn hai ngàn năm đã chủ trương “giết lầm hơn là bỏ sót” cố tình tiêu diệt những kẻ chống đối gây nguy hại cho quyền lợi của họ. Vì thế, không có gì lạ khi thấy họ thờ ơ trước cảnh hàng trăm ngàn thai nhi vô tội bị tàn sát do tệ nạn phá thai gây ra.
Tệ nạn phá thai càng ngày càng gia tăng, đặc biệt cả ở hải ngoại, cho nên sống trong môi trường tự do dân chủ, người Việt có bổn phận và có quyền tìm mọi cách ngăn chặn. Chúng ta có thể dùng quyền công dân của mình tức là quyền bầu cử để công khai bày tỏ ước muốn của chúng ta bằng cách bầu chọn những người đạo đức xứng đáng đại diện cho mình tại Quốc Hội và các cơ quan công quyền. Các Ki-tô hữu và những người công chính biết tôn trọng sự sống con người phải dứt khoát loại bỏ những ứng cử viên chủ trương hoặc hỗ trợ tệ nạn phá thai, cho dù họ cùng đảng phái chính trị, cùng tôn giáo, cùng đoàn thể với mình hay cho dù họ cũng là người Việt, nhưng chủ trương hay ủng hộ phá thai, chúng ta cũng phải gạt ra ngoài. Được như thế, chúng ta mới có thể cỗ vũ mỗi gia đình của chúng ta nỗ lực củng cố nền đạo đức trong gia đình để thảm họa phá thai không còn xảy ra nữa.
LÊ TINH THÔNG

Fx. Phan Dương (St)

ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ HỌ ĐẠO VÀ NHÀ THỜ TÂN PHÚ (BÀO RÁNG)

 Giai đoạn kha sinh họ đạo Tân Phú

Đất Bào Ráng nằm trong vùng U Minh Thượng.
Vào khoàng năm 1900 có một số gia đình Công giáo nghèo từ các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre đến đây với ý định khai phá vùng hoang khẩn đất phục hóa ruộng, rẫy để mưu sinh.
Thời gian làm ăn thuận lợi nên số người định cư càng tăng thêm, và ở hai bên bờ sông khoảng 10 gia đình: Gia đình ông Phong Hóa, ông Câu Tảng, ông Biện Láng, ông Tâm Trường, ông Ba Trích, ông Giã Hữu, ông Năm Lắm, ông Ba Ngọc, ông Mười Ngôn, ông Ba Họa.

Năm 1905, giáo dân vận động cùng nhau cất ngôi nhà nguyện để tụ họp kinh sách và giữ ngày Chúa nhật.

Trong những năm đó, Cha Hayle là cha sở cùng với Cha phó họ Cái Trầu thường xuyên đến giúp đỡ.

Khoảng năm 1909, họ đạo này được mang tên Bào Ráng. Sau này giáo phận gọi nơi đây là Tân Phú. Trong thời gian ấy, cha sở Cái Trầu, địa phận Nam Vang phụ trách. Năm 1910 - 1915, cha Phê-rô Nguyễn Thanh Minh chính thức làm cha sở của họ đạo. Cha hướng dẫn làm nhà thờ, nhà xứ bằng lá cây.

Năm 1915 - 1918, Cha Giu-se Phan Phước Dành đã sữa chữa nhà xứ và xây dựng nhà xứ bằng cây ván.

Năm 1921 - 1922, Cha Phê-rô Bùi Công Trường và cha Lê Thanh Nghi thường xuyên đến giúp đỡ họ đạo.

Năm 1928 - 1936, cha Phao-lô Phan Thanh Hóa đã dồn công sức để chăm sốc mọi người và chăm sóc nhà chung.

Giai đoạn tái thiết và trùng tu.

Năm 1936 - 1953, cha Carolo Nguỹen Ngọc Tỏ đặt sửa sang nhà thờ, đóng vách ván mới, sửa lầu chuông.

Năm 1954 - 1959, Cha An-tôn Đặng Minh Tâm cũng cố lại lòng đạo của bà con giáo dân.

Năm 1959 - 1969, Cha Phê-rô Nguyễn Văn Liêu đã nâng cấp nhà thờ và tráng nền xi-măng khang trang hơn.

Năm 1969 - 1972, cha Đô-mi-ni-cô Vũ Phụng Thiên được đức cha Gia-cô-bê bổ nhiệm về coi họ đạo Tân Phú. Cha cũng đã sửa sang sất nhiều.
Năm 1976 - 1994 cha G.B Đinh Văn Chuân về trông coi họ đạo. Ngài xây tường gạch thay ván vách, và lợp ngói thay mái lá. Ngài cũng đã làm tháp chuông cao 12mét chắc chắn hơn.

Ngày 16/11/1994, Cha Giu-se Phạm Văn Phán về thay cha G.B Chuân. Ngài tái thiết nhà thờ, nhà xứ như hiện nay.

Biết bao biến cố thăng trầm theo dòng thời gian, nhưng Thiên Chúa vẫn nâng đỡ và gìn giữ Họ Đạo được bình an.

Hiện nay, họ đạo có khoảng 1.500 giáo dân.

Xin tạ ơn Chúa vì muôn ngàn đời Ngài vẫn trọn tình thương!

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Giới Hiền Mẫu Gx. Tân Phú - Gp. Cần Thơ Vui Chơi Đón Mừng Lễ Bổn Mạng


Khuôn viên nhà thờ Gx. Tân Phú - Gp. Cần Thơ vốn dĩ đã rất nhộn nhịp vì hằng ngày có hàng trăm người lớn nhỏ đến đây để cầu nguyện, học hành và vui chơi; thế nhưng, không khí tại nơi này hôm nay (18/8/2011) bổng trở nên nhộn nhịp hơn nhiều so với những ngày khác vì có đông đảo quý chị em trong Giới hiền mẫu quy tụ lại để vui chơi ngày trại đón mừng lễ bổn mạng Thánh Mô-ni-ca.

Hiện diện và vui chơi với quý chị em hôm nay có Cha tân quản hạt giáo hạt Vị Thanh Phê-rô Nguyễn Văn Thọ, Quý Cha chánh-phó giáo xứ Tân Phú, Quý Thầy Đại chủng viện Cần Thơ và Quý Tu sĩ thuộc các Hội dòng như Đức Mẹ Lên Trời, Chúa Quan Phòng,...

Ngày trại được bắt đầu bằng giờ khai mạc. Trong giờ khai mạc,  cha chánh xứ Giu-se Phạm Văn Phán đã nói lên lời cám ơn tới chị em vì đã hiện diện cách đầy đủ trong ngày vui này; bên cạnh đó, cha còn giúp chị em ý thức sâu xa hơn về tầm quan trọng của việc tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng trong giáo xứ, như tập trung sinh hoạt, đọc kinh hằng tháng, hay như ngày vui trại hôm nay...

Ngày trại được diễn ra trong không khí vui tươi và cởi mở.
Dù cho trời nắng gắt, nhưng chị em vẫn tham gia một cách đầy đủ và nhiệt tình các trò chơi mà ban tổ chức đưa ra. Điều đáng nói: tuy tuổi tác của chị em không còn trẻ, nhưng chị em vẫn tỏ ra rất trẻ trung và năng nổ khi thực hiện các động tác trong các trò chơi, nhất là những trò chơi thi đua và trò chơi lớn...
Đây là điều mà cha quản hạt đã nhấn mạnh trong bài giảng của thánh lễ hôm nay.
Cha nói: "Tôi rất vui mừng vì thấy chị em vui chơi trong sự nhiệt tình và trẻ trung. Tôi biết rằng trong số những chị em hiện diện nơi đây, vào lúc này vẫn có những chị em đang mang bên mình những lo toan về đời sống trong gia đình của mình. Đó là một sự thật. Thế những, chị em nhìn thấy được điều gì qua các trò chơi mà chị em đã chơi? Nếu không để ý, chúng ta sẽ không nhận ra được điều gì quan trọng; nhưng nếu để ý và suy nghĩ sâu xa hơn một chút chúng ta sẽ nhận ra rằng những khó khăn mà chúng ta gặp phải trong các trò chơi vừa rồi cũng giống như những khó khăn mà chúng ta gặp khi phải hoàn thành bổn phận làm một người vợ, người mẹ trong gia đình... Cho nên, để vượt qua được những khó khăn và thử thách trong đời sống gia đình, thì hơn bao giờ hết, chị em cần phải hy vọng trong sự lạc quan và vui tươi. Phải lạc quan với cây thập giá của đời mình, đó là điều mà tôi muốn nhắn gửi với chị em hôm nay..."

Sau thánh lễ, chị em tiếp tục vui chơi trong sự thân tình và hăng say.
Những bài hát, những trò chơi sinh hoạt tại chỗ, và những trò chơi thi đua tiếp tục diễn ra. Chị em tiếp tục nói lên tinh thần hăng say của mình bằng việc vui chơi hết mình.

Khi mặt trời xế bóng thì cũng là lúc ngày trại kết thúc. Chị em ra về trong niềm vui và bình an. Mỗi người mang bên mình tâm tình mà cha tân quản hạt đã chia sẻ: Ước gì sau ngày trại này, chị em sẽ lạc quan hơn với thập giá của đời mình. Cũng giống như thánh Mô-ni-ca - Bổn mạng của chị em, chị em sẽ phải rơi những giọt nước mắt trong bổn phận làm vợ, làm mẹ; nhưng, nếu những giọt nước mắt đó rới xuống trong niềm hy vọng và tín thác thì chắc chắn Thiên Chúa sẽ chúc lành cho chị em.

Mong rằng ngày vui hôm nay sẽ tiếp tục nối dài cho những ngày mà chúng ta sẽ tiếp tục sống trong cuộc đời, dù tình đời có lắm lúc chua cay...!

Fx. Phan Dương
Dòng Đức Mẹ Lên Trời

Hình Ảnh Giới Hiền Mẫu Sinh Hoạt